Quy luật trí não: Giải quyết vấn đề với tư duy nghịch đảo
Đôi khi cách tốt nhất để giải quyết một vấn đề là nhìn nó theo một cách hoàn toàn mới. Lật ngược vấn đề có thể giúp bạn tìm ra được những giải pháp mà bạn chưa từng nghĩ đến.
Tư duy nghịch đảo là gì?
Tư duy nghịch đảo hay tư duy ngược (Reverse Thinking) là cách nghĩ ngược lại với mong muốn của bạn, giúp tạo ra nhiều ý tưởng mới sáng tạo cho quá trình đưa ra quyết định.
Khái niệm“Tư duy nghịch đảo” bắt nguồn từ nhà toán học người Đức Carl Jacobi, ông nổi tiếng là yêu thích giải quyết các vấn đề khó khăn với chiến lược “ngược, ngược mãi”. Ông tin rằng nếu được diễn giải theo góc nhìn ngược lại, các vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng.
Một tư duy đơn giản có thể giải quyết được vô số các vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy mà tư duy nghịch đảo được yêu thích bởi nhiều nhà triết học, nhà khoa học, nhà tư tưởng trong lịch sử. Tiêu biểu phải kể đến những người theo chủ nghĩa khắc kỷ.
Đừng bao giờ đánh giá thấp thất bại
Nhà đầu tư huyền thoại, cánh tay phải đắc lực của Warren Buffet, Charlie Munger là một người yêu thích tư duy nghịch đảo. Ông từng chia sẻ về cách ông thực hành lối suy nghĩ này như “quan trọng là hãy cố không hành động ngu ngốc, thay vì cố gắng trở nên thông minh, điều đó sẽ tạo nên lợi thế lâu dài.”
Charlie Munger là một người thành công vượt lên trên nghịch cảnh. Nhìn vào cuộc đời nhiều biến cố của ông, ông từng thất bại, rơi vào nghịch cảnh rất nhiều lần. Mà ông cũng chia sẻ tư duy nghịch đảo như một cách ông áp dụng hàng ngày trong mọi mặt cuộc sống để giải quyết vấn đề.
Mọi người thường nhìn vào thành công nhiều hơn là thất bại. Nhưng sự thật thì thất bại luôn hiện hữu, có thể là bất kì lúc nào và xảy đến với bất kì ai. Tư duy nghịch đảo cho phép chúng ta nhìn thẳng vào thất bại.
Ý tưởng lớn ở đây là – Theo đuổi thành công một cách mù quáng có thể tạo ra những hậu quả lớn, nhưng bằng cách phòng bị trước thất bại thường xuyên sẽ giảm thiểu được rủi ro.
Dưới đây là những ví dụ thực tiễn mà bạn có thể thực hành tư duy nghịch đảo trong công việc và cuộc sống của mình:
1.Ứng dụng cho brainstorming
Bạn có thể áp dụng tư duy nghịch đảo cho việc lên ý tưởng ngược (reverse brainstorming) trong công việc của mình. Nếu gặp khó khăn trong quá trình lên ý tưởng, hãy thử phương pháp này.
Ví dụ, áp dụng brainstorming việc đăng kí newsletter của công ty. Chúng ta có hai cách để lên ý tưởng.
Câu hỏi thường mọi người sẽ đặt là “Làm thế nào để chúng ta có thêm nhiều người đăng kí newsletter?”
Áp dụng tư duy nghịch đảo cho brainstorming: “Những lí do/ cách mà mọi người không đăng kí newlestter?”
Bước tiếp theo bạn cần đưa ra nhiều câu trở lời nhất có thể cho câu hỏi thứ 2. Sau đó lựa chọn những giải pháp thiết thực nhất và biến chúng thành hiện thực.
2.Năng suất làm việc
Trong công việc, thông thường mọi người sẽ cố gắng để gia tăng năng suất với mục tiêu “làm nhiều việc hơn trong thời gian ngắn hơn”.
Sử dụng tư duy nghịch đảo bằng cách đặt câu hỏi ngược lại “Những điều gì làm giảm sự tập trung và khiến tôi xao lãng?”
Câu trả lời sẽ giúp bạn khám phá ra những nguyên nhân thực sự làm giảm năng suất làm việc là sự xao lãng, mất tập trung, loại bỏ được những yếu tố này sẽ cho phép bạn có nhiều thời gian và năng lượng hơn cho công việc.
3. Dọn dẹp
Một trong những phát hiện thú vị có liên quan tới cách nhìn ngược đó là tư duy tối giản được tác giả Marie Kondo – tác giả cuốn sách nổi tiếng The life-changing Magic of Tidying Up, áp dụng cho nguyên tắc quan trọng để giữ gìn nhà cửa gọn gàng.
Thông thường mọi người khi nghĩ tới việc dọn dẹp gọn hàng (hay tối giản) sẽ nghĩ tới việc “vứt bỏ” những đồ vật không cần thiết. Marie đã nghĩ ngược lại, trước khi bắt tay vào dọn dẹp cô áp cô sử dụng lối suy nghĩ “giữ lại những đồ vật mà bạn thật sự muốn giữ, những thứ đồ đạc mang lại niềm vui (spark joy) cho cuộc sống của chủ căn nhà”.
Sự thay đổi trong tư duy này cho phép bạn giảm căng thẳng hơn trong quá trình dọn dẹp và cũng tập trung vào những đồ thật sự cần thiết với bạn hơn.
4. Tài chính cá nhân
Về quản lý tiền bạc, Warren Buffett từng nói về những quy tắc quan trọng của ông như “Quy tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền. Quy tắc số 2: Không bao giờ quên quy tắc số 1.” Đây là một góc nhìn ngược lại với cách mà mọi người thường tiếp cận khi nhắc tới tiền bạc.
Chúng ta vẫn luôn nghĩ đến làm sao để kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng rất nhiều người bỏ qua một câu hỏi quan trọng không kém trước khi tìm cách để kiếm được nhiều tiền.
“Làm thế nào để không mất tiền?”
Câu trả lời sẽ giúp bạn nhận ra được quy tắc cơ bản nhất trong quản lý tài chính cá nhân – không chi tiêu vượt quá mức bạn kiếm được. Trường hợp vung tay quá trán có thể dẫn tới tình trạng nợ nần và đây là một yếu tố rủi ro lớn trong quản lý tiền bạc. Vậy trước khi tìm cách để kiếm được nhiều tiền hơn, hãy tìm cách để không bị mất tiền đã.
Tóm lại, tư duy nghịch đảo là một công cụ tư duy giúp giải quyết vấn đề một cách logic và giảm thiểu rủi ro. Ngoài những ứng dụng trên, tư duy nghịch đảo hoàn toàn có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Nhận xét
Đăng nhận xét